HIỆP HỘI AN TOÀN THÔNG TIN VIỆT NAM

Hội thảo – Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024

Ngày 21/11/2024, Hội thảo – Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với  tổ chức Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia”.

Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương; Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86; Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao; Ông Nguyễn Quanh Hưng, Quyền Cục trưởng Cục ATTT – Bộ TT&TT; Ông Lê Hoàng Chính Quang, Quyền Cục trưởng Cục CNTT – Ngân hàng Nhà nước; Và cán bộ, lãnh đạo của nhiều đơn vị thuộc các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn, các công ty công nghệ, tài chính – chứng khoán, các hiệp hội ICT, các trường đại học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng khẳng định: việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số cần phải được quan tâm ngay từ khi bắt đầu xây dựng, với nguyên tắc bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Bảo đảm ATTT phải luôn song hành với xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu và nền tảng số. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp CNTT, ATTT hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương khẳng định: Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực ATTT, thể hiện qua việc Việt Nam vươn lên vị trí 17/194 quốc gia về xếp hạng an ninh mạng toàn cầu. Số vụ tấn công mạng trong 9 tháng đầu năm đã giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.552 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11,32 triệu người dùng. Để có những kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì cũng phải kể đến những cố gắng của các cơ quan như Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, và không thể không kể đến vai trò hết sức quan trọng của VNISA.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm trong việc bảo vệ hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia:

  • Thứ nhất, sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo bảo đảm ATTT; yêu cầu các cơ quan, tổ chức chủ động rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các hệ thống thông tin (HTTT), triển khai đảm bảo đầy đủ các quy định hiện hành về đảm bảo ATTT, an ninh thông tin, trong đó đảm bảo thực hiện quy định về đảm bảo ATTT HTTT theo cấp độ.
  • Thứ hai, các cơ quan, tổ chức tăng cường đầu tư cho ATTT, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam, của Việt Nam, do Việt Nam thiết kế, sản xuất, đặc biệt là giám sát, phát hiện và phòng chống tấn công mạng tự động, ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
  • Thứ ba, chỉ đạo, tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – Cục ATTT.
  • Thứ tư, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó ngay với các sự cố mất ATTT vì các cuộc tấn công ngày càng đa dạng, phức tạp.

Quyền Cục trưởng Cục ATTT Trần Quang Hưng

Báo cáo về hiện trạng bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam, Quyền Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Quang Hưng đã đưa ra các khuyến nghị về việc bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cho người dân. Trong đó, để phòng chống lừa đảo trực tuyến, cần áp dụng nguyên tắc “kiềng ba chân”: Pháp lý, chính sách; biện pháp kỹ thuật; tuyên truyền, đào tạo kỹ năng; cùng với đó là vai trò của: Cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng, hệ thống trực tuyến; báo chí, truyền thông, mạng xã hội.

Toàn cảnh Phiên toàn thể Hội thảo

Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ khai trương “Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến ATTT” do Cục An toàn thông tin thực hiện. Nền tảng này cung cấp miễn phí kho tri thức và các thông tin cần thiết để hỗ trợ hoạt động diễn tập, quản lý, số hóa quy trình, chuẩn hóa kỹ thuật, và kết nối các chuyên gia với tổ chức ATTT. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả điều phối các hoạt động diễn tập trên phạm vi toàn quốc.

Lễ ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến

Tại Phiên toàn thể, các đại biểu còn được nghe tham luận từ các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành của những doanh nghiệp lớn như Công ty An ninh mạng Viettel, Trung tâm An toàn thông tin VNPT, Quỹ Châu Á, Công ty Fortinet, Công ty Huawei, Công ty Opswat. Nội dung tập trung vào các thách thức trên không gian mạng và các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho tổ chức và doanh nghiệp.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Cơ yếu CP Vũ Ngọc Thiềm, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GDĐT Tô Hồng Nam tặng hoa và trao bằng khen cho 2 đội Nhất, Nhì của cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN 2024

Cũng trong Phiên toàn thể đã diễn ra Lễ trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đội đạt giải cao của cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN 2024 và phần tọa đàm “Phòng chống thất thoát dữ liệu và lừa đảo trực tuyến”.

Tọa đàm: Phòng chống thất thoát dữ liệu và lừa đảo trực tuyến

Ngoài Phiên toàn thể, Hội thảo còn có 3 phiên chuyên đề:

  • Chuyên đề 1: Ứng dụng AI bảo đảm an toàn thông tin trong những ngành kinh tế trọng yếu
  • Chuyên đề 2: Bảo vệ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số
  • Chuyên đề 3: Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bên cạnh Hội thảo là khu triển lãm ATTT với 30 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu về các công nghệ, giải pháp, dịch vụ an toàn, an ninh mạng.

Xem thêm hình ảnh về hội thảo tại đây