HIỆP HỘI AN TOÀN THÔNG TIN VIỆT NAM

Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022

Được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sự kiện hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức, với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”.

Hội thảo được tổ chức ngày 24/11/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Khoảng 800 đại biểu tham dự trực tiếp Hội thảo tại khách sạn Melia Hà Nội, trong đó có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội – Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng Ban cơ yếu Chính phủ; Lãnh đạo các cơ quan quản lý an toàn, an ninh mạng: Cục ATTT (Bộ TT&TT), Cục A05 (Bộ CA), Bộ Tư lệnh 86 (Bộ QP); Lãnh đạo các trung tâm CNTT của các bộ ngành; Lãnh đạo các Sở TT&TT của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa…

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA cho biết, mới đây VNISA đã thực hiện khảo sát gần 150 tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam về việc đảm bảo an toàn thông tin.

Kết quả khảo sát đã nêu ra một số vấn đề lớn cần được quan tâm và khắc phục thời gian tới, đó là cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống – dịch vụ, bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại.

Khảo sát cũng cho thấy, có 87% tổ chức, doanh nghiệp lo sợ yếu tố “Con người”, 58% đơn vị lo ngại về “Công nghệ” và 47% lo ngại về lỗ hổng trong “Quy trình”. Cùng với đó, 68% tổ chức, doanh nghiệp cho biết chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin hàng năm. Chính vì thế, năm nay Hiệp hội chọn chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn” cho hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một chương trình lớn, dài hạn của quốc gia. Chuyển đổi số là đưa các hoạt động của mọi người lên môi trường số. Đồng nghĩa với việc chúng ta phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cùng hoạt động trên không gian mạng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình và 100 triệu người dân.

Nhận định khối lượng công việc trên là rất lớn mà không một lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết được, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ, việc bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc của tất cả cơ quan, tổ chức và cả người dân với nguyên tắc “thực sao ảo vậy”.

Tức là, cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng. Bên cạnh 3 lực lượng nòng cốt là Quốc phòng, Công an và TT&TT, chúng ta còn có sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và cả người dân.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan và Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng chứng kiến lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTT

Trong khuôn khổ phiên toàn thể, đã diễn ra lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng giữa 10 đơn vị gồm Cục An toàn thông tin, VNISA, Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, Cốc Cốc, Tiktok Việt Nam.

Hội thảo Ngày ATTT Việt Nam 2022 gồm một phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề, bên cạnh đó là khu triển lãm với hơn 30 gian hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các sản phẩm, công nghệ an toàn, an ninh mạng.

Ngoài các đại biểu tham dự trực tiếp, BTC còn tổ chức hội nghị truyền hình kết nối tới các điểm cầu ở các Sở TT&TT các tỉnh và trung tâm CNTT của các Bộ, ngành để các đại biểu tham dự online. Nội dung hội thảo còn được live stream trên fanpage của VNISA và fanpage hội thảo để nhiều người có thể theo dõi.