Khối các đơn vị ATTT thuộc Bộ TT&TT hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2018
Ngày 26/12/2018, tại Hà Nội, Khối các đơn vị An toàn thông tin (ATTT) của Bộ TT&TT gồm Cục ATTT, Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2019. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đến tham dự.
Đây là năm thứ hai khối các đơn vị ATTT của Bộ tổ chức chung Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm.
Theo báo cáo chung của các đơn vị, trong năm 2018, hành lang pháp lý cơ bản trong lĩnh vực ATTT đã được hoàn thiện, nhận thức về bảo đảm ATTT đã được tăng cường, các Bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu quan tâm triển khai các hoạt động bảo đảm ATTT, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Trên thế giới, lĩnh vực ATTT tiếp tục là lĩnh vực “nóng”. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và có xu hướng áp dụng những công nghệ mới.
Trong năm 2018, Bộ TT&TT đã kiện toàn tổ chức, xây dựng và vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (trực thuộc Cục ATTT) để thực hiện chức năng theo dõi, giám sát ATTT, cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam…
Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năm 2018 đã có hơn 10.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 10% so với năm 2017. Đồng thời, đã ghi nhận hơn 4 triệu địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet), giảm 6% so với năm 2017.
Đồng thời, Bộ TT&TT đã kiện toàn mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, thành lập Ban điều hành mạng lưới và Đội tác nghiệp ứng cứu sự cố quốc gia. Mạng lưới ứng cứu sự cố hiện đã có 170 đơn vị thành viên là các tổ chức chuyên trách về ATTT mạng với hàng ngàn cán bộ kỹ thuật. Bộ cũng xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin sự cố ATTT mạng và thường xuyên chia sẻ thông tin về sự cố ATTT mạng cho các thành viên mạng lưới ứng cứu.
Về triển khai giám sát ATTT cho Chính phủ điện tử (CPĐT), Bộ TT&TT đã giám sát gián tiếp tất cả các trang, cổng thông tin điện tử .gov phục vụ CPĐT, giám sát trực tiếp hơn 40 điểm với nhiều hệ thống thông tin quan trọng phục vụ Chính phủ/Chính quyền điện tử của các cơ quan nhà nước; Thường xuyên phối hợp về mặt chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác bảo đảm ATTT với đơn vị chức năng, chuyên trách về CNTT/ATTT của các Bộ, ngành, Sở TT&TT; Kịp thời cảnh báo các điểm yếu về ATTT tại cổng/trang thông tin điện tử của một số Bộ, ban, ngành, địa phương.
Bộ đã cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTT hình thành liên minh phòng, chống mã độc; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tăng cường nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại; Chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, nhà cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp ATTT tổ chức bóc gỡ, xử lý mã độc lây nhiễm thiết bị CNTT trong các cơ quan, tổ chức nhà nước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bộ đã tích cực hướng dẫn, điều phối, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ngăn chặn thư điện tử rác và tin nhắn rác; vận hành và khai thác Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác thông qua đầu số 456, Hệ thống phần mềm thu thập thư rác chuyên dụng. Qua đó, tổng hợp, điều phối các nhà mạng ngăn chặn hiệu quả các tin nhắn rác, đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Về những hoạt động nổi bật của VNCERT trong hoạt động năm 2018, đại diện VNCERT cho biết đơn vị đã xây dựng được cơ chế đặc thù cho cán bộ làm công tác ATTT. VNCERT đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn ứng cứu sự cố FIRST gồm 90 nước thành viên, theo đó lượng thông tin chia sẻ sự cố, hỗ trợ ứng cứu sự cố được mở rộng thông qua hợp tác quốc tế.
Đại diện Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia cho biết, trong năm 2018, NEAC đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo về dịch vụ chứng thực chữ ký số rộng rãi cho các cơ quan nhà nước, CA công cộng, các đại lý cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các CA chuyên dùng và các ngân hàng thương mại. Năm 2019, NEAC sẽ nghiên cứu hệ thống cấp dấu thời gian (time-stamp), giải pháp quản lý định danh điện tử trên nền tảng công nghệ blocchain, quy định việc ký số, xác thực số đối với thông điệp dữ liệu trong hoạt động kinh tế xã hội…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những thành tích mà cả ba đơn vị trong khối ATTT của Bộ đã đạt được trong năm 2018 với “một khối lượng công việc rất lớn”. Lĩnh vực ATTT là một lĩnh vực mới, là một lĩnh vực quan trọng của Bộ, bên cạnh lĩnh vực CNTT. Thứ trưởng khẳng định, muốn bảo đảm được ATTT cần phải có sự tham gia của toàn xã hội, do đó cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của ATTT..
Thứ trưởng nhận định, trong năm 2019, các đơn vị trong khối ATTT sẽ có nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn, cụ thể: Xây dựng chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về an toàn, an ninh mạng; Xây dựng quy hoạch bảo đảm an toàn thông tin mạng đến năm 2030; Xây dựng Nghị định về xác thực và định danh điện tử….
Khó khăn chung của các đơn vị ATTT là không tuyển dụng thêm được nhân lực, công việc nhiều hơn. Do đó, cần phải thay đổi tư duy, thay đổi phương thức làm việc, điện tử hóa công tác báo cáo, xây dựng các công cụ quản lý nhà nước trực tuyến để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2019, Thứ trưởng chỉ đạo.
Theo mic.gov.vn