HIỆP HỘI AN TOÀN THÔNG TIN VIỆT NAM

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam

Chiều ngày 07/6/2018, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã có buổi họp nghe các đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT báo cáo một số vấn đề trọng tâm về triển khai, thúc đẩy công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Buổi họp đã tập trung thảo luận, làm rõ khả năng phát triển các ứng dụng dựa trên Blockchain, đặc biệt là trong bối cảnh các giải pháp trên nền tảng Blockchain liên tục được phát triển, ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau trên thế giới.

Thực tế cho thấy, mặc dù công nghệ lõi của Blockchain đã khá hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết và sáng tạo, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cả cách thức ứng dụng để bảo đảm tính riêng tư, quyền sở hữu dữ liệu của người dùng, hỗ trợ tính minh bạch, trung lập, công bằng, thoát khỏi sự phụ thuộc của những tổ chức lớn trên toàn cầu, tạo dựng sự bình đẳng cho mọi thành phần xã hội tham gia. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nêu rõ với trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT cần quan tâm, tạo điều kiện cho công nghệ Blockchain được ứng dụng trong các lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần hình thành hệ sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các đơn vị chức năng của Bộ cũng phải trao đổi, chia sẻ về những tác động của Blockchain đối với các quan điểm quản lý, chính sách quản lý nhà nước của Bộ. Đây là hai định hướng cho các thảo luận, tham góp ý kiến của đại diện các đơn vị tại buổi làm việc.

Đại diện Vụ Công nghệ thông tin đã giới thiệu tổng quan về Blockchain, phân tích các giai đoạn phát triển, những vấn đề tồn tại và đưa ra một số xu hướng phát triển, ứng dụng Blockchain trong thời gian tới. Theo đó, Blockchain là một trong các công nghệ lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm… Đại diện Vụ Công nghệ thông tin cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực công trên thế giới, điển hình là: Ủy ban châu Âu đã và đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain vào các dịch vụ công trong hệ thống một cửa điện tử châu Âu; Lãnh đạo Trung Quốc cũng đã tuyên bố cần thúc đẩy Blockchain và đánh giá đây là công nghệ hết sức quan trọng trong tương lai của quốc gia này trong mối tương quan với các công nghệ khác như: lượng tử, AI, IoT; việc đánh giá và thử nghiệm công nghệ Blockchain để cải thiện tính minh bạch, hiệu quả và tin tưởng vào chia sẻ thông tin của Chính phủ Mỹ,… Estonia là quốc gia tiên phong áp dụng các dịch vụ dựa trên Blockchain trong lĩnh vực y tế điện tử, ngân hàng, an toàn an ninh, các dịch vụ chính phủ điện tử (gồm cả bầu cử qua nền tảng Blockchain).
20180607-pg1-tc.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Tiếp theo là các tham luận “Công nghệ Blockchain và định hướng nghiên cứu PKI” của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, ”Kinh tế Blockchain – một số vấn đề chính yếu và việc quản lý dưới góc độ quốc gia” của Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số. Các tham luận đã đưa ra các thách thức về công nghệ Blockchain, tương quan giữa Blockchain với điện toán đám mây, cơ chế tập trung và phi tập trung dữ liệu, nguyên lý trao quyền quản lý dữ liệu về phía người dùng, lợi thế của Blockchain trong phát triển kinh tế cũng như cải cách hoạt động của khu vực nhà nước. Đại diện của hai đơn vị đồng chung quan điểm: Bộ TT&TT cần sớm đưa ra biện pháp chỉ đạo việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong các ngành nghề tại Việt Nam, để có những giải pháp quản lý và thúc đẩy phù hợp.

Được mời tham gia đóng góp tại buổi họp, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, Tập đoàn đã tiếp cận công nghệ Blockchain từ tháng 05/2017, coi đây là một trong bốn xu hướng công nghệ chiến lược của VNPT, bên cạnh điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, VNPT đang nghiên cứu và phát triển các ứng dụng Blockchain cho các dịch vụ công nghệ thông tin, bao gồm: E-GOVchain (cho chính quyền điện tử – giải quyết tính đồng bộ, an toàn, minh bạch của dữ liệu người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính), HISchain (quản lý hồ sơ bệnh án), EDUchain (quản lý sản phẩm sở hữu trí tuệ) và AGRIchain (quản lý chuỗi cung ứng nông sản – chứng minh nguồn gốc, trạng thái nông sản). Đại diện Tập đoàn VNPT cũng chia sẻ mô hình cung cấp dịch vụ Blockchain mà VNPT hướng tới: dựa trên công nghệ nền tảng của các đối tác hàng đầu về Blockchain, vận hành trên hạ tầng đám mây tại các DataCenter của VNPT, cung cấp dịch vụ Blockchain as-a-service cho các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp tại Việt Nam, tổ chức hệ sinh thái các dịch vụ sử dụng Blockchain.
Phát biểu sau phần trình bày, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định công nghệ Blockchain đã không chỉ thay đổi cách thức vận hành của ngành tài chính trên thế giới mà còn tác động sang hầu hết các lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến cách thức vận hành của xã hội hiện nay. Tiền mật mã là ứng dụng đầu tiên và phát triển mạnh mẽ nhất trong số các ứng dụng của Blockchain. Tuy nhiên tiền mật mã cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến xã hội và tạo nên nhiều định kiến xấu về Blockchain. Hiện nay vẫn còn rất nhiều người lầm tưởng Blockchain là Bitcoin hoặc cũng là một loại tiền mật mã nào đó. Vấn đề này ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển các ứng dụng của Blockchain. Vì vậy, đối với các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có những phương án quản lý phân biệt rõ ràng giữa Tiền mật mã và công nghệ Blockchain để có những giải pháp quản lý và thúc đẩy phù hợp. Khi nghiên cứu để ứng dụng Blockchain thì cần lưu ý một số lĩnh vực có tác động và ảnh hưởng rộng đến người dân và xã hội như quản lý hồ sơ khám bệnh trong lĩnh vực y tế, quản lý bằng cấp trong giáo dục, theo dõi nguồn gốc nông sản, thực phẩm,… Đối với khía cạnh truyền thông, bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền và cảnh báo người dân về những quy định của pháp luật và rủi ro có thể gặp phải đối với Tiền mật mã thì cũng cần tập trung tuyên truyền về ứng dụng của Blockchain trong các ngành nghề khác nhau nhằm thúc đẩy sự minh bạch và an toàn nhưng cũng thận trọng tránh đầu tư ứng dụng tràn lan Blockchain và không quan tâm đến hiệu quả đầu tư cũng như mục đích ứng dụng.
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo các đơn vị cần tiếp tục triển khai đánh giá tính ứng dụng, kinh nghiệm quản lý nhà nước trên thế giới và các giải pháp thúc đẩy phát triển tại Việt Nam, tận dụng nguồn tri thức nghiên cứu từ các viện, trường, khoa về công nghệ thông tin, các tập đoàn lớn, các Startups công nghệ để xác định tính khả thi, khả năng xây dựng và triển khai các Blockchain ứng dụng tại Việt Nam. Thứ trưởng cũng yêu cầu VNPT đẩy nhanh tiến độ xây dựng giải pháp Blockchain, hợp tác với các đối tác để triển khai thí điểm, sớm đánh giá hiệu quả báo cáo lại Bộ TT&TT.
Theo mic.gov.vn