Vòng Khởi động cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022
Vòng Khởi động cuộc thi đã được tổ chức vào sáng ngày 24/9/2022 dưới hình thức thi trực tuyến (online), với sự tham gia của 161 đội thi từ 51 cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng của Việt Nam và Trường thuộc các nước ASEAN (ngoài Việt Nam, có 07 nước thuộc ASEAN tham gia với 56 đội thi từ 22 trường Đại học. Tại Việt Nam có 105 đội thi từ 29 Trường Cao đẳng, Đại học, Học viện trên toàn quốc).
Ông Vũ Quốc Thành, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc vòng thi, ông Vũ Quốc Thành, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA nhấn mạnh, năm nay số đội thi của Việt Nam và số đội thi nước ngoài đều nhiều hơn các năm trước. Tổng số có 161 đội thi (với 625 thí sinh), trong số 56 đội nước ngoài ở 22 trường đại học của 7 nước ASEAN, có các đội đến từ các trường đại học hàng đầu ASEAN như Đại học quốc gia Singapore, Đại học Sains Malaysia, Đại học IPB Indonesia và Học viện Quân sự Hoàng gia ThaiLand. Về phía Việt Nam vẫn có sự tham dự của các đội mạnh đến từ Đại học Công nghệ, Đại học Bách Khoa, Học viện kỹ thuật mật mã… Các đội thi được phân làm 3 bảng VN1 (các trường phía Bắc VN), bảng VN2 (các trường phía Nam VN) và bảng ASEAN (các trường nước ngoài)
Ông Thành cũng cho biết nhân dịp cuộc thi tổ chức lần thứ 15, Ban tổ chức đã tăng số lượng và giá trị giải thưởng cao hơn hẳn các năm trước. Tổng giá trị giải thưởng là 200 triệu, trong đó giải Nhất chung khảo trị giá 30 triệu đồng.
Tiểu ban tổ chức vòng thi Khởi động giám sát, điều hành các đội thi online
Ngay sau phần phát biểu khai mạc vòng thi của ông Vũ Quốc Thành, các đội thi đã tích cực giải các thử thách của đề thi. Tổng cộng đề thi Khởi động có 10 thử thách với mức độ khó trung bình ở các chủ đề: Pwnable (khai thác lỗi phần mềm, buffer overflow, format string, shellcode …); Reverse engineering (tập trung vào kỹ năng dịch ngược mã nguồn phần mềm, cách unpack các packer, crypter bảo vệ phần mềm); Web (Các kỹ thuật tấn công vào ứng dụng web); Crypto/ACM (Đánh đố giải mã, tấn công các thuật toán mã hóa, dùng kĩ năng lập trình/giải thuật để giải các trò chơi, mê cung …).
Hình ảnh các đội thi online
Sau 2 giờ làm bài, tức khoảng một nửa thời gian thi, đã có hơn 100 đội ghi điểm, trong đó 5 vị trí dẫn đầu là sự cạnh tranh quyết liệt của 5 đội thi đến từ Đại học Quốc gia Singapore, Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học Duy Tân, Đại học CNTT và Đại học Bách khoa Tp HCM.
Đội thi KMA.L3N0V0 của Học viện Kỹ thuật mật mã là đội đầu tiên vượt qua tất cả các thử thách sau gần 3 giờ thi. Kết quả cuối cùng có 136 đội ghi điểm, trong đó có 6 đội giải được tất cả các thử thách của đề thi, 5 vị trí dẫn đầu lần lượt là: KMA.L3N0V0 (Học viện Kỹ thuật mật mã), UIT.Boomerang (Đại học CNTT Tp HCM), Singapwners (Đại học Quốc gia Singapore), ISIT-DTU1 (Đại học Duy Tân), KMA.lostQ (Học viện Kỹ thuật mật mã)
Bảng xếp hạng vị trí các đội khi kết thúc thi Khởi động (xem thêm tại https://warmup.ascis.vn/scoreboard)
Sau vòng thi Khởi động các đội bước vào thi Sơ khảo ngày 15/10/2022 (bảng VN1 sẽ thi tập trung tại Hà Nội, bảng VN2 sẽ thi tập trung tại Tp HCM, bảng ASEAN thi online). Vòng Chung khảo sẽ được tổ chức vào ngày 05/11/2021 với sự có mặt của 20 đội đứng đầu 3 bảng thi Sơ khảo: 5 đội bảng VN1, 5 đội bảng VN2 và 10 đội bảng ASEAN (các đội Việt Nam sẽ thi tập trung tại Hà Nội, các đội ASEAN thi online).
Các đội đạt giải cao của Việt Nam sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trong Hội thảo quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022”, ngày 24/11/2022 tại Hà Nội và đội đứng đầu của Việt Nam sẽ được đề cử tham dự cuộc thi Cyber Sea Game 2022.
Đồng hành cùng cuộc thi năm nay ngoài nhà tài trợ chính là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), và Công ty Cổ phần Netnam tài trợ hạ tầng mạng và nền tảng Hội nghị truyền hình cho cuộc thi còn có nhà tài trợ đồng là Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).
Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN chắc chắn sẽ tiếp tục là sân chơi bổ ích và lành mạnh và mở rộng giao lưu quốc tế cho sinh viên thuộc chuyên ngành CNTT, ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực về ATTT có trình độ cao, góp phần tích cực vào nguồn lực Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.