HIỆP HỘI AN TOÀN THÔNG TIN VIỆT NAM

VNISA tham dự Diễn đàn cộng đồng an toàn, an ninh mạng Đông Nam Á lần thứ 2

Diễn đàn cộng đồng an toàn, an ninh mạng Đông Nam Á lần thứ 2 (SEACC Forum 2023) diễn ra vào ngày 16/10/2023 tại Singapore.

Tham dự diễn đàn có 9 hiệp hội trong khu vực, gồm có AiSP (Singapore), APTIKNAS (Indonessia), BSCA (Brunei) , ISAC-Cambodia, MBOT (Malayssia), MiSA (Myanma), VNISA (Việt Nam), TISA (Thailand),  WISAP (Philippines), ngoài ra còn có đại diện của Đại học công nghệ Singapore (SIT) và Công ty Huawei và một số thành viên của AiSP (đến từ nhiều công ty lớn tại Singapore).

Các đại biểu dự SEACC Forum 2023

Diễn đàn đón chào sự hiện diện của ngài Tan Kiet How, Bộ trưởng cấp cao hai Bộ Truyền thông và Thông tin và Bộ Phát triển quốc gia Singapore. Đã diễn ra phiên trò chuyện trao đổi giữa ngài Bộ trưởng cấp cao Tan Kiet How với các đại diện của các hiệp hội đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó ngài Bộ trưởng nghe giới thiệu về chức năng và vai trò của các hiệp hội và đặc biệt chú trọng hỏi về mối quan tâm lớn nhất hiện nay của mỗi hiệp hội là gì. Ngài Bộ trưởng đánh giá cao nội dung chia sẻ về trọng tâm trong năm nay của VNISA là hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo công cuộc chuyển đổi số an toàn và đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường mạng. Ngài Bộ trưởng ủng hộ việc chia sẻ hiểu biết và hợp tác giữ các hiệp hội và cho rằng đây là con đường đúng đắn để tiến tới một không gian mạng an toàn cho toàn khu vực.

Phiên họp chính đã mở đầu bằng lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa AiSP với Huawei (về sự tài trợ của Huawei cho đào tạo, nghiên cứu ATTT) và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa AiSP với APTIKNAS và BSCA (về đào tạo tài năng trẻ).

Trong phiên họp chính các đại biểu của 6 hiệp hội là MBOT, BCSA, VNISA, WISAP, AiSP và APTIKNAS đã có bài trình bày chia sẻ về tình hình an toàn thông tin của đất nước và hoạt động trong năm vừa qua của mỗi hiệp hội cũng như phương hướng hoạt động trong năm tới.

Báo cáo của đa số các hiệp hội cho thấy xu hướng ATTT trong khu vực ngoài việc trang bị, đầu tư kỹ thuật đảm bảo ATTT mạng thì ngày càng quan tâm hơn về nâng cao nhận thức chống các nguy cơ nổi bật như các hình thức lừa đảo trên mạng (scam, phishing,…). Hiệp hội MBOT chia sẻ sự quan tâm về thiếu nhân tài và hạ tầng an toàn an ninh mạng. VNISA đã giới thiệu sự kiện thành lập Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng Việt Nam, báo cáo tóm tắt các kết quả hoạt động lớn của hiệp hội trong năm qua như các cuộc thi cho học sinh, cuộc thi cho sinh viên ASEAN, các lớp đào tạo chuyên gia… VNISA cũng chia sẻ hiện trạng và phương hướng phát triển ATTT tại Việt Nam qua các con số điều tra khảo sát của hiệp hội, các số thống kê của cơ quan quản lý nhà nước, ngoài ra cũng làm thông báo về cuộc thi ASCIS-2024 và kêu gọi các hiệp hội khác ủng hộ. Hiệp hội WISAP chia sẻ về phong trào phụ nữ với ATTT tại Philippines và kế hoạch hợp tác với một doanh nghiệp Úc để xây dựng phần mềm cho hoạt động này. Hiệp hội AiSP chia sẻ về một số kết quả hoạt động khuyến khích phát triển tài năng trẻ tại Singapore và giới thiệu quyển sách “Information Security Body of Knowleage” (IS-BOK 2.0) vừa mới được xuất bản nhằm phổ cập kiến thức ATTT. AiSP cũng khuyến khích và cho phép các hiệp hội được toàn quyền dịch và phổ biến hay bán tại nước mình.

Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh trình bày tại SEACC Forum 2023

Tại phiên thảo luận, đại biểu các nước nêu ra một số đề xuất và trao đổi về cách thức hợp tác hiệu quả hơn cho từng nội dung, trong đó một số vấn đề đang được diễn đàn quan tâm là: Các nước xác định tiêu chuẩn công nhận người làm ATTT chuyên nghiệp như thế nào; Hợp tác phát triển hoàn thiện IS-BOK 2.0; Chia sẻ tiêu chuẩn đánh giá ATTT ở cấp độ nhà nước; Đẩy mạnh vai trò và tác động của các hiệp hội đến chính sách ATTT của các nước và xây dựng chính sách chung của khối ASEAN như thế nào; v.v…

Các hiệp hội thống nhất sẽ chia sẻ lịch tổ chức các sự kiện ATTT hàng năm tại nước mình, mời các nước khác tham dự. Trong năm 2024 diễn đàn dự kiến sẽ phối hợp tổ chức 7 hội thảo chuyên đề trực tuyến (webinar) gồm các chủ đề sau: Dữ liệu và tính riêng tư (dự kiến vào ngày 18/1); An toàn đám mây (21/3); Trí tuệ nhân tạo (09/5); Web3/Metaverse (20/6); Định danh số (11/7); Phát triển sự nghiệp (05/9); và Phụ nữ trong không gian mạng (14/11).

Bên lề cuộc họp lần này các đại biểu đã có chuyến tham quan khá lý thú đến Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AI Lab) của Huawei tại Singapore, đã được giới thiệu một số thành tựu nghiên cứu ứng dụng và phương hướng phát triển AI của Huawei trong lĩnh vực CNTT và ATTT.